
Trong chương trình Giáo dục phổ thông
2018, Hóa học là môn học được học sinh chọn học theo sở thích, năng lực và định
hướng nghề nghiệp. Nhiều chủ đề Hóa học mang tính thực tiễn có thể dùng phương
pháp giảng dạy STEM. Để thực hiện nhiệm vụ bài học, học sinh sẽ cùng trao đổi, thảo
luận, tìm tòi, nghiên cứu môn học có liên quan. Các hoạt động trên góp phần
tích cực vào sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Bên
cạnh đó, giáo dục STEM cũng hướng tới những vấn đề có tính đặc thù của địa
phương, khai thác nguồn lực về con người, cơ sở vật chất nhằm kết nối trường học
với cộng đồng.Ngoài ra, qua quá trình học tập học sinh sẽ đánh giá được năng
khiếu, sở thích, năng lực của mình, từ đó giúp học sinh lựa chọn ngành nghề có
nhu cầu phù hợp với bản thân.
Trong chương trình KHTN phân môn Hoá học
8 ở chủ đề Acid - Base, học sinh được tìm hiểu Đại cương về Acid, base và thang
pH. Từ đó học sinh vận dụng kiến thức vào việc “Làm chất chỉ thị từ bắp cải tím”
xác định tính chất của đất trồng để chọn cây trồng phù hợp, thử độ pH của nước
lọc trong các hồ bơi để đảm bảo sức khỏe cho người bơi, …”

Bắp cải tím là một nguyên liệu rất phổ biến
và dễ kiếm trong cuộc sống. Sắc tố chính được chiết xuất từ lá cải tím là
cyanidin 3, 5-diglucoside của hệ màu anthocyanin (màu tím) và có màu sắc thay đổi
rõ rệt theo pH của môi trường cần xác định. Trong môi trường acid nó có màu đỏ
bền, trong môi trường base nó chuyển sang màu xanh và bền trong thời gian dài.
Sử dụng nước bắp cải tím dùng để nhận biết dung dịch acid , dung dịch base của
các chất, nhận biết được môi trường đất theo phương pháp đơn giản, giúp lựa chọn
cây trồng sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, chế tạo giấy quỳ giúp HS nhận biết được
môi trường các chất, giúp người nông dân nhận biết môi trường đất một cách đơn
giản.

Suốt quá trình hoạt động, các em tỏ ra rất
hào hứng, nhiệt tình đồng thời cũng rất khẩn trương và nghiêm túc. Với sự phối
hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong nhóm, học sinh các lớp đã tự tin thể
hiện khả năng thuyết trình, thí nghiệm kiểm chứng, trả lời phỏng vấn của giáo
viên.
Để thực hiện chủ đề STEM này, các học
sinh được giao nhiệm vụ theo nhóm: nghiên cứu kiến thức nền, lên ý tưởng thiết
kế sản phẩm từ các vật liệu đơn giản, dễ mua. Từ đó học sinh phát huy tính chủ
động, sáng tạo, tự học tự nghiên cứu, hợp tác trong quá trình học tập và biết
vượt qua khó khăn-thử thách để hoàn thành được nhiệm vụ, đặc biệt các con có ý
thức bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các vật liệu dễ tìm.

Qua buổi dạy học STEM nhiều em học sinh
đã chia sẻ cảm nghĩ tích cực của bản thân rằng:
- “Hóa học thực chất là bộ môn không khô
khan mà rất thú vị, có nhiều ứng dụng thực tiễn gần gũi”.
-
“Qua hoạt động này, em cảm thấy yêu môn hóa học hơn, em mong muốn được tham gia
nhiều hơn các hoạt động STEM vì qua đây em có thể áp dụng kiến thức đã học vào
đời sống”.
- “Trước đây em chỉ biết quỳ tím dùng để
nhận biết dung dịch có tính acid hoặc base, nhưng qua hoạt động này em mới biết
được các ứng dụng trong thực tiễn gần gũi như xác định tính chất của đất trồng
để chọn cây trồng phù hợp, thử độ pH của nước lọc trong các hồ bơi để đảm bảo sức
khỏe cho người bơi, …”
Mục
đích chính của các chương trình giáo dục STEM là giúp các em hứng thú học tập, tạo
ra những con người tương lai, có đầy đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh để thích
nghi với cuộc sống hiện đại, như các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao
tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Vì lẽ đó, phương pháp
giáo dục này cần được nhân rộng để học sinh được trải nghiệm và khám phá các kiến
thức khoa học từ những điều gần gũi, thấy được sức mạnh của khoa học đối với đời
sống của con người và yêu quý thế giới tự nhiên xung quanh. Đó cũng là cách từng
bước đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong xu thế hiện nay.
Qua dạy học STEM tại trường TH&THCS số 1 Ngư Thuỷ
bước đầu giúp học sinh có được kiến thức từ kinh nghiệm thực hành, học sinh sẽ
được hiểu sâu về lý thuyết thông qua các hoạt động thực tế. Chính các hoạt động
thực tế này sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn và sâu hơn; học sinh sẽ được
làm việc theo nhóm, tự thảo luận tìm tòi kiến thức, tự vận dụng kiến thức vào
các hoạt động thực hành rồi sau đó có thể truyền đạt lại kiến thức cho người
khác. Từ đó đề xuất các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả học tập theo chủ đề
STEM cho học sinh phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương.